4 người hiến tạng sau chết não, 16 cuộc đời được hồi sinh

20/06/2018 15:37

Đây là những kỳ tích mà ghép tạng Việt Nam vừa đạt được trong thời gian ngắn vừa qua đã thắp lên niềm hy vọng cho hàng chục nghìn những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đang ngày đêm mòn mỏi trông chờ một “phép màu” đến với mình, một món quà cuộc sống bất ngờ “gõ cửa”.

Phát khóc vì hạnh phúc sau ca ghép tạng thành công

 

Bệnh nhân Đ.H.T ở Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội, 65 tuổi – một trong những người may mắn có được tạng ghép từ 4 ca chết não, chia sẻ: “Sau ca phẫu thuật ghép toàn bộ gan từ người hiến tặng, tôi phát khóc vì  biết ca phẫu thuật của mình đã thành công”.  Ông T. tâm sự, ông phát hiện mình bị mắc viêm gan B năm 2005, đến nay sức khỏe ông suy giảm, đi lại phải có người dìu. Đi khám, bác sĩ chẩn đoán ông bị suy gan, bác sĩ cho biết, bệnh nhân có khả năng bị hôn mê bất cứ lúc nào. Nằm điều trị tại bệnh viện được 1 tháng thì biết tin mình được lựa chọn để ghép gan, ông T cho biết: “tôi lúc nào cũng tin tưởng và tràn trề hy vọng sống”.

 

Bệnh nhân T được PGS Nguyễn Quang Nghĩa hỏi thăm tình hình sức khỏe

Chị Đ.T.H, con gái bệnh nhân T cho biết, gia đình cảm thấy quá may mắn và không có niềm vui nào hơn bởi có nhiều bệnh nhân cũng chờ ghép nhưng không được  may mắn như bố chị. Ngày 1/6, ông T. đã được các y bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức tiến hành ghép gan, ca phẫu thuật kéo dài từ tối đến tận 5 giờ sáng hôm sau.  Sau 1 tuần ghép gan, sức khỏe ông thay đổi từng ngày. Chị H cho biết, gia đình lúc nào cũng đặt niềm tin tuyệt đối vào bác sĩ và hy vọng ngày càng có nhiều người được ghép tạng kéo dài cuộc sống. Bệnh nhân T. rất phấn khởi khi được bác sĩ cho biết sẽ được ra viện trong một vài ngày tới. Ông tâm niệm: “ Tôi cảm thấy khỏe hơn trước đây rất nhiều, nếu được ra viện tôi mong sẽ tiếp tục sống có ích hơn nữa”.

 

Một trong những 16 bệnh nhân nhận được “món quà  cuộc sống” lần này là anh N.P.T, 40 tuổi, ở Sóc Sơn, Hà Nội. Anh cho biết, phát hiện mắc viêm gan virus B năm 2010, anh cũng kiên trì đi khám và dùng thuốc suốt 4 năm. Tuy nhiên do thấy sức khỏe tốt, không có biểu hiện gì, bệnh nhân N.P.T. bỏ điều trị thuốc kháng virus từ đó đến nay. Gia đình cho biết, anh thường hay uống rượu do phải tiếp khách, nên bệnh tiến triển lúc nào không hay.

 

Khi vào viện, bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán xơ gan giai đoạn 4, suy gan, chức  năng gan hầu như không còn. Người nhà bệnh nhân N.P.T, chị Đ.L.H cho biết, gia đình chúng tôi cảm thấy quá may mắn vì  sau khi chờ đợi hơn 1 tháng, người nhà tôi đã được ghép gan, nhiều người mắc bệnh nan y như chúng tôi vẫn không có tạng để ghép.

 

Bệnh nhân T, sau khi được ghép gan 13 ngày cho biết: “Sức khỏe tôi thay đổi từng ngày”

Hàng trăm bác sĩ làm việc xuyên đêm cứu người bệnh

 

GS.TS Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, trước đây tại Bệnh viện Việt Đức, một năm chỉ có từ 1-2 trường hợp người chết não hiến tạng, nhưng chỉ trong khoảng 1 tháng vừa qua đã có tới 4 ca chết não hiến tạng, đây quả là một kỳ tích. Nhờ nguồn tạng từ 4 người cho chết não, các bác sĩ đã cứu sống được 16  người với 8 ca ghép thận, 4 ca ghép gan và 4 ca ghép tim. Điều này cho thấy nhận thức của người dân đang tăng lên, họ đã nhận ra được lợi ích của việc hiến, ghép tạng, GS Giang chia sẻ.

 

GS.TS Trần Bình Giang – Giám đốc BV Việt Đức (bên phải) và PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa- Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bv Việt Đức.

PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Ghép tạng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức  cho biết, trong suốt 8 năm qua, chỉ có 40 người chết não hiến tạng, trung bình khoảng 4-5 trường hợp mỗi năm. 6 tháng đầu năm nay, đã có 5 trường hợp chết não hiến tạng, đặc biệt trong 1 tháng qua có tới 4 bệnh nhân hiến tạng  cứu sống được 16 người.  2/3 số bệnh nhân này đã ổn định và đã được xuất viện, hiện còn 5 bệnh nhân nằm viện theo dõi và sẽ được ra viện nếu tiến triển tốt.

 

Tính đến nay, Bệnh viện Việt Đức đã tiến hành  590 ca ghép thận, 53 ca ghép gan và 19 trường hợp ghép tim.  Để thực hiện các ca ghép tạng đột xuất như vậy, Bệnh viện Việt Đức phải huy động cả trăm bác sĩ làm việc xuyên đêm, triển khai cùng lúc nhiều bàn mổ lấy tạng và ghép tạng, thậm chí còn phối hợp với các bệnh viện khác chia sẻ nguồn tạng có được cho những bệnh nhân đang cần.

 

Theo PGS Nghĩa, các chuyên gia, bác sĩ  của Bệnh viện Việt Đức hiện đã làm chủ hoàn toàn các  kỹ thuật ghép tạng với trình độ chuyên môn cao, ghép thận chỉ còn khoảng 2-3 giờ, ghép gan  từ 4-5 giờ -tiệm cận với thời gian của các nước trong khu vực và trên thế giới. Các điều kiện truyền máu hoặc hồi sức giống  với một ca mổ thông thường. GS Giang cho rằng, trình độ ghép tạng của BV Việt Đức tương đương với các trung tâm ghép tạng lớn trên thế giới.

 

Trong thời gian qua,  Bệnh viện Việt Đức đã và đang tiến hành chuyển giao kỹ thuật ghép tim, ghép thận, ghép đa tạng cho các bệnh viện khác nhằm đáp ứng nhu cầu của người bệnh, giúp người dân ở các địa phương được tiếp cận với kỹ thuật cao nhất ở ngay tại địa phương của mình.

 

Theo PV Hải Yến/Sức khỏe & Đời sống

Tagged in: Tags: