100 y, bác sĩ chạy đua cứu bé gái suy gan giai đoạn cuối, 1 phần sống, 9 phần chết

03/04/2017 20:04

Sau 10 giờ đồng hồ chạy đua với thời gian, em bé 15 tuổi ở Thanh Hoá suy gan giai đoạn cuối, tiên lượng tử vong tới 90% đã được ghép gan thành công.

 

Chiều nay (3/4), Bệnh viện Việt Đức thông tin về ca ghép gan đặc biệt, cứu sống một bệnh nhân bị suy gan cấp trên nền bệnh gan mãn tính, tiên lượng tử vong trên 90%.

 

Bệnh nhân là Dương Thị Phương Mai, 15 tuổi ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa bị rối loạn chuyển hóa đồng, suy gan cấp trên nền bệnh mạn tính, xơ gan, hôn mê gan và rối loạn đông máu nặng.

 

ghep-gan-viet-duc-1491215157649

Bé Phương Mai – người được ghép gan từ người hiến là bố đẻ của mình – đã tỉnh táo, các chỉ số sinh tồn biểu hiện tốt.

 

 

2 năm trước, em có biểu hiện vàng da, mệt mỏi. Từ tháng 2/2017, em bị xuất huyết tiêu hoá, hôn mê gan và được chuyển đến BV Bạch Mai. Tháng 3, em được chuyển viện Nhi Trung ương trong tình trạng bị suy gan, rối loạn chuyển hóa đồng (Wilson), hôn mê gan, rối loạn đông máu và nhiễm khuẩn huyết. Trước tình trạng quá nặng này, gia đình có ý định xin về.

 

Sau đó, Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn Vingroup hỗ trợ kinh phí giúp bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec. Ngày 23/3, em được chuyển sang Bệnh viện Vinmec và được hồi sức lọc gan, thay huyết tương và chờ ghép gan cấp cứu. Bởi nếu không được ghép gan, bệnh nhân sẽ chết.

 

Đêm 28/3, em được chuyển sang Bệnh viện Việt Đức chờ ghép gan vào sáng 29/3.

 

ghep-gan-viet-duc-2-1491215187215

Gan được lấy từ bụng người bố 39 tuổi để chuẩn bị ghép cho con gái 15 tuổi.

 

Ca ghép gan được tiến hành trong 9 giờ, sử dụng phương pháp ghép gan bán phần từ nguồn gan của bố bệnh nhân 39 tuổi là anh Dương Văn Tiến. Nửa gan phải của người bố đã được cắt khoảng 60% để ghép cho con gái.

 

Theo GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, đây là trường hợp nặng nhất trong số 36 ca ghép gan từ trước đến nay ở Bệnh viện Việt Đức. Thậm chí, lãnh đạo Bệnh viện đã chuẩn bị ký giấy cho ra viện. Theo GS Giang, việc thực hiện ca ghép này còn khó hơn là ghép gan cho một người già gần 80 tuổi. Bởi tình trạng của bé Phương Mai quá nặng.

 

“Tình trạng suy gan, hôn mê gan và rối loạn đông máu nặng, khiến bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào trong lúc ghép gan hoặc nguy cơ nhiễm trùng cao sau phẫu thuật” – GS. Giang cho biết.

 

Ca mổ bắt đầu từ lúc 11 giờ sáng, khi bác sĩ bắt đầu mở bụng bệnh nhân hiến gan. Việc bảo quản, chuẩn bị gan được tiến hành trong 90 phút. Tới 12 giờ, các bác sĩ tiến hành mở bụng người nhận gan là bé Phương Mai.

 

Các bác sĩ cho biết, việc mổ cho bệnh nhân đặc biệt này rất khó khăn, bởi em bị rối loạn đông máu, động vào bất kỳ chỗ nào cũng có thể bị chảy máu, nếu không cầm máu được bệnh nhân có thể sẽ tử vong. Thời gian bệnh nhân không có gan trong cơ thể cũng khá lâu, 40-60 phút.

 

Thêm vào đó, bệnh nhân Mai bị gan xơ, lách to, tĩnh mạch cửa teo, việc cấp máu cho gan nghèo nàn, trong khi gan của bố bình thường, lách nhỏ. Ngoài ra bệnh nhân còn có bất thường bẩm sinh hẹp động mạch thân tạng, là gốc của động mạch gan khiến không thể thực hiện miệng nối động mạch bình thường mà phải nối dài, nối trực tiếp động mạch gan vào động mạch chủ bụng.

 

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực cho biết, kíp phẫu thuật chịu nhiều áp lực về mặt kỹ thuật, phải rút ngắn thời gian phẫu thuật do bệnh quá nặng, nguy cơ mất máu lớn. Bệnh nhân suy gan cấp trong vài tháng, nhiễm trùng trước mổ rất nặng, phù phổi cấp, suy thở, hôn mê gan… tạo nên khó khăn với các bác sĩ trong quá trình mổ.

 

Vượt qua mọi khó khăn, bằng kinh nghiệm, năng lực chuyên môn cao, tới 21 giờ cùng ngày, ca mổ đã kết thúc. Bệnh nhân Mai được đưa về phòng hồi sức ghép gan và tiếp tục theo dõi sau ghép.

 

Bệnh nhân được rút ống nội khí quản sau khoảng 40 giờ thở máy. Hiện bé Phương Mai đã tỉnh táo hoàn toàn, không có nhiễm trùng, chức năng gan cải thiện, ăn nghỉ, sinh hoạt và các chức năng thận đã trở về bình thường. Đối với người hiến gan là anh Tiến – bố bé Mai, các bác sĩ cho biết 8-9 ngày sau mổ, anh có thể ra viện.

 

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, trước khi ghép bệnh nhân có nguy cơ tử vong 90%, nhưng đến hôm nay đã được khẳng định ghép thành công, dù vẫn tiếp tục được theo dõi các biến chứng sau ghép gan như: tắc mạch, nhiễm trùng, thải ghép…

 

Theo PV. Võ Thu/ Báo Gia đình và Xã hội

Tagged in: Tags: